Diễn đàn trực tuyến "Tôm việt 2021" với chủ đề "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19" vừa được Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức. Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của các thị trường tại châu Mỹ, châu Âu vào những tháng cuối năm là rất lớn nên khuyến cáo nông dân thả nuôi để không thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu

Tổng cục Thủy sản cho biết tính đến hết tháng 8-2021, diện tích thả nuôi tôm cả nước là hơn 711.000 ha (tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020), sản lượng ước đạt hơn 585.000 tấn. Sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Nhu cầu xuất khẩu tôm cuối năm sẽ tăng - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, việc thả nuôi tôm có chiều hướng giảm nên tôm nguyên liệu dự báo sẽ khan hiếm vào cuối năm nay .Ảnh: NGỌC TRINH

Theo Tổng cục Thủy sản, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương tại ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua tôm; việc tiêu thụ bị đình trệ do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa. Thiếu người và phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm) do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng có dịch đều cách ly 14-21 ngày, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí. Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện "3 tại chỗ" nên công suất giảm.

Hoạt động thả nuôi tôm đang có chiều hướng giảm do DN thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Vì vậy, các tháng cuối năm 2021 sẽ khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết giá tôm hiện nay đã giảm khoảng 30%, lượng giống thả nuôi chỉ đạt khoảng 30%-40% so với cùng kỳ năm rồi, thậm chí nhiều khu vực người dân không dám thả tôm giống.

"Cà Mau có khoảng 30 DN và 38 nhà máy với công suất gần 200.000 tấn/năm. Khi thực hiện giãn cách xã hội thì chỉ còn 50%-60% nhà máy hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng chi phí cao do DN phải thuê nhà nghỉ, khách sạn cho công nhân ở, thuê xe vận chuyển... Vì vậy, giá tôm DN thu mua của nông dân giảm" - ông Bằng giải thích.

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có 2 nhà máy tại Cà Mau (7.000 công nhân) và Hậu Giang (6.000 công nhân). Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra, nhà máy tại Cà Mau chỉ còn 1.600 công nhân và Hậu Giang giảm còn 1.300 công nhân tham gia sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".

"Giãn cách như vậy rất khó khăn, nhà máy không sản xuất nên không mua tôm được. Trước tình hình này, bà con không thả tôm giống nữa nên dự kiến từ tháng 10 đến 12 sẽ thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu. Nếu chống dịch tốt, hết giãn cách xã hội, sản xuất trở lại bình thường thì cũng sẽ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng" - ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định.

Xuất khẩu đang thuận lợi

 
 

Tuy sản xuất trong nước gặp khó khăn nhưng xuất khẩu tôm đang rất thuận lợi. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,2 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính (trừ Trung Quốc) đều tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất sang Mỹ đạt 584,6 triệu USD (tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái), EU đạt hơn 320 triệu USD (tăng 26%). Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), khi tham khảo các DN thì họ cho rằng hiện nay, thị trường xuất khẩu rất tốt, không có tình trạng ùn ứ tôm nguyên liệu trong nhà máy.

Ông Lê Văn Quang cho biết công ty đã ký hợp đồng với các đối tác cung ứng tôm đến cuối năm, nhà máy sản xuất hết công suất nhưng không đủ cung ứng cho khách hàng. Nếu bỏ giãn cách thì nhà máy sẽ tăng tốc tối đa.

"Giá tôm cỡ lớn (10-30 con/kg) hiện bán được giá tốt và các thị trường có nhu cầu lớn. Nông dân nên thả nuôi tôm mật độ thưa, lúc bình thường thả 200-300 con/m2 thì giờ 100-150 con/m2. Nếu trong tháng 11 tới thu hoạch tôm thì sẽ bán được cho thị trường châu Âu, châu Mỹ để họ tiêu dùng dịp Noel. Nếu qua tháng 11 thì bán cho thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... Vì vậy, bà con không nên lo ngại, khi hết giãn cách, chúng tôi đẩy giá thu mua tăng lên" - ông Quang nhấn mạnh.

Với tôm cỡ 20 con/kg hiện được bán với giá 195.000 - 198.000 đồng/kg, 1 tấn tôm người nuôi lãi 50 - 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cam kết trong thời điểm này, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty cố gắng kết nối online với người nuôi để chia sẻ kinh nghiệm làm sao cho họ thả giống mật độ vừa phải, giữ được tôm cỡ lớn.

Tại diễn đàn nêu trên, nhiều đại biểu kiến nghị tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 không chỉ cho công nhân mà còn cho những thành phần tham gia chuỗi sản xuất tôm. Bên cạnh đó, cần thống nhất trong chỉ đạo của các tỉnh, giữa các địa phương trong một tỉnh để việc thu mua, vận chuyển tôm được thuận lợi.